SÀI GÒN TRẺ– Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
‘Hành trình’ gần 30 năm… đấu giá biển số ô tô
Tờ trình của Chính phủ cho biết: Ngay từ năm 1993, Bộ Công an chỉ đạo Công an TP. Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số tự chọn. Sau 02 tháng thực hiện đã có 94 trường hợp tự chọn biển số trên tổng số 198 xe đăng ký (đạt 47%).
Bộ Công an đã có công văn số 697/BNV-C26 ngày 18/11/1993 báo cáo sơ kết và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai việc thu phí biển số xe tự chọn trên toàn quốc. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 88-TT/LB ngày 29/10/1994 quy định chế độ thu, quản lý sử dụng lệ phí đăng ký biển số tự chọn. Tuy nhiên, khi chuẩn bị triển khai Thông tư số 88-TT/LB thì báo chí và dư luận xã hội còn nhiều ý kiến khác nhau nên Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dừng triển khai việc thu lệ phí cấp biển số tự chọn.
Năm 2008, Công an các tỉnh Bình Dương, Nghệ An, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La và công an TP. Hà Nội đã báo cáo Bộ Công an xin đấu giá biển số xe. Sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ: Tư pháp, Tài chính và Giao thông vận tải; Bộ Công an đã có công văn số 1820/BCA-C11 ngày 25/8/2008 báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá biển số. Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư liên Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp hướng dẫn việc đấu giá biển số. Dự thảo đã gửi các bộ, ngành và địa phương lấy ý kiến tham gia nhiều lần nhưng không được ban hành do vướng mắc về cơ sở pháp lý. Ngày 30/9/2011, Bộ Tài Chính báo cáo (văn bản số 13025/BTC-CST) và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm dừng việc đấu giá biển số.
Việc triển khai đấu giá biển số trên thực tế không thể triển khai do vướng mắc về mặt pháp lý, theo quy định pháp luật hiện hành thì “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công ; “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải” là kho số phục vụ quản lý nhà nước.
Trong khi thực tế xã hội cho thấy nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp” tùy theo quan niệm và sẵn sàng trả giá cao đối với các biển số đó. Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng “biển số đẹp” bằng hình thức đấu giá vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng là tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đề xuất mức giá khởi điểm chung trong cả nước là 40 triệu
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, tán thành thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương; đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.
Về giá khởi điểm, báo cáo thẩm tra cho rằng, việc xác định giá khởi điểm của biển số xe ô tô là rất khó. Do đó, quy định giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 (40 triệu đồng) và Vùng 2 (20 triệu đồng) không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa các vùng. Trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Đồng thời, nhất trí với quy định “tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá” nhằm bảo đảm cho việc thu tiền trúng đấu giá; còn người đấu giá không trúng thì được trả lại tiền đặt trước theo quy định của pháp luật. Đây cũng là quy định khác với quy định của Luật đấu giá tài sản năm 2016, nên cần phải trình Quốc hội cho thực hiện thí điểm.
Về phương thức đấu giá, chỉ thí điểm hình thức đấu giá trực tuyến; đồng thời cho rằng, số lượng biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là rất nhiều (hàng nghìn biển số) và số lượng người tham gia đấu giá cũng rất đông và cư trú trên phạm vi toàn quốc nên các hình thức đấu giá khác sẽ không bảo đảm tính khả thi và gây tốn kém cho người tham gia đấu giá.
Nhân dân phấn khởi, thực hiện công khai minh bạch
Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trước đây, một trong những vấn đề vướng mắc là khó xác định biển số nào đẹp hoặc xấu để quyết định đấu giá. Đến nay, Bộ Công an đề xuất không lựa chọn biển để đấu giá, mà tiến hành đấu giá tất cả các số, để người có nhu cầu tự lựa chọn. Những biển số không được đấu giá sẽ nhập lại kho số và cấp ngẫu nhiên.
Về vướng mắc liên quan đến giá khởi điểm, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đây là một trong những vấn đề vướng mắc, vì trước khi đấu thầu thì phải có cơ quan xác định giá, thẩm định giá, được phê duyệt giá thẩm định mới mang đấu thầu. Tuy nhiên, trường hợp này, không có cơ quan, đơn vị nào có thể xác định giá, tư vấn thẩm định giá, nên Bộ Công an đã cân nhắc lựa chọn mức giá khởi điểm theo lệ phí đăng ký của phương tiện ô tô để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, là Nghị định 151 của Chính phủ quy định chi tiết về Luật Quản lý tài sản công, thì kho số mới là tài sản công, chứ không phải biển số. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị đổi tên Nghị quyết thành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng số đăng ký ô tô thông qua đấu giá, để phù hợp với quy định của Luật Quản lý tài sản công.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là nội dung đã được bàn thảo nhiều lần, kể từ Quốc hội khóa XIII, cử tri đã rất mong muốn. Nếu triển khai được nhân dân sẽ rất phấn khởi, thể hiện sự công khai, minh bạch và hợp lòng dân.
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu cân nhắc mở rộng phạm vi thí điểm sang cả biển số nền vàng và biển số mô tô. Còn biển số nền xanh và nền đỏ sẽ vẫn thuộc quản lý Nhà nước. Đồng thời nghiên cứu thêm các quy định về quyền của người trúng đấu giá và quyền của người nhận thừa kế.
Đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí theo Dự thảo Nghị quyết quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen) và nhất trí áp dụng mức giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời bổ sung quy định thực hiện khi chỉ có 1 người tham gia đấu giá…
Về Quy định sử dụng đấu giá, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích: Theo giải trình của Bộ Công an, thời gian thí điểm đấu giá biển số ô tô là 3 năm, nhưng cần nghiên cứu có điều khoản chuyển tiếp theo hướng có lợi, tạo sự hấp dẫn cho người dân tham gia đấu giá.
Đấu giá biển số xe ô tô đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trước đây, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện nội dung này từ sớm, một số địa phương đã thí điểm thực hiện. Đây là nội dung nhằm thực hiện Luật Quản lý tài sản công, đáp ứng nhu cầu có thật và của không ít người dân, chủ sở hữu phương tiện xe cơ giới. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với chủ trương thí điểm thực hiện.
Tuy nhiên, từ nay đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội thời gian không còn nhiều nên phạm vi thí điểm thực hiện Chính phủ chủ động cân nhắc lựa chọn, sau này trong quá trình thực hiện có rà soát cân nhắc thêm, không nhất thiết phải mở rộng phạm vi toàn diện ngay từ đầu. Đồng thời nêu rõ thí điểm về chính sách không hạn chế về không gian.
Cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đến nay hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định; đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Tờ trình bảo đảm chặt chẽ.
Về giá khởi điểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu có thể quy định một mức chung. Nếu quy định giá khởi điểm quá cao chưa chắc đã thu hút được người tham gia. Bởi mục tiêu là khai thác hiệu quả kho số, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân mà không phải chỉ để thu ngân sách. Về trình tự thủ tục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để tạo thuận lợi nhất cho người dân, bảo đảm cao nhất quyền lợi cho người dân từ đó tạo hấp dẫn cho người tham gia đấu giá.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Nghị quyết chủ yếu quyết về mặt chủ trương, do đó, có thể giao cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong tổ chức, thực hiện nhiều nội dung.
Discussion about this post