Đêm Chung kết đầy cảm xúc của Creative Hunter 2022 đã diễn ra thành công tốt đẹp vào tối 6/1 vừa qua tại Hội trường C – Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Với kinh nghiệm và chuyên môn cao, các vị ban giám khảo của cuộc thi Creative Hunter đã đưa ra nhận xét khách quan và quyết định ngôi vị cao nhất đầy thuyết phục.
Creative Hunter là cuộc thi tìm kiếm tài năng thiết kế sáng tạo dành cho học sinh sinh viên được tổ chức bởi C.S.C – Câu lạc bộ Kỹ năng Truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đến với mùa thứ ba của cuộc thi, danh hiệu cao nhất đã gọi tên thí sinh Nguyễn Trần Tài SBD 02 – sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tiếp nối thành công từ mùa trước, Creative Hunter 2022 đã trở lại với chủ đề “Thăng Long Văn Hiến – Đánh thức di sản văn hoá lịch sử Việt” mang đậm dấu ấn lịch sử. Đến vòng Chung kết với đề tài “Hãy tưởng tượng Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn còn đang hoạt động như một trường học trong thời hiện đại. Hãy thiết kế bộ sách giáo khoa Lịch sử dành cho học sinh của ngôi trường này” đòi hỏi vốn hiểu biết sâu rộng về lịch sử nước nhà cũng như chuyên môn cao trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo. Chính vì vậy, những người cầm cân nảy mực của cuộc thi đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định ngôi vị Quán quân Creative Hunter 2022.

Đêm Chung kết Cuộc thi Creative Hunter 2022 có sự quy tụ của những gương mặt có chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông – thiết kế. Nhờ đó, họ đã mang tới những lời nhận xét, góp ý đầy thuyết phục, khách quan dành cho phần thi của top 10 chung cuộc. Trải qua vòng sơ loại, vòng hai với đề tài là thiết kế bộ sách giáo khoa Lịch sử, BTC mong muốn các thí sinh thể hiện những góc nhìn mới mẻ, sáng tạo của bản thân về truyền thống hiếu học cao quý của nước nhà.
Thầy Trần Quốc Bình hiện là giảng viên học kỳ 1 tại Arena Multimedia, giảng viên khoa Tạo dáng Công nghiệp Trường Đại học Mở Hà Nội. Thầy là tác giả đứng sau một số giáo trình xuất bản và nội bộ, các bài báo khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về mỹ thuật. Trong Đêm Chung kết, thầy chia sẻ: “Với tôi, các sản phẩm sáng tạo của các bạn hết sức độc đáo. Tôi rất thích tính tự do bay bổng, lãng mạn trong thiết kế, đặc biệt là cảm hứng dồi dào mà các bạn đặt vào bài thi của minh. Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh rằng các bạn cần hiểu rõ đề bài. Chúng ta cần xác định rõ hai chủ thể nắm là trường Văn Miếu hay lịch sử nước nhà để nắm mục đích, từ đó thiết kế đúng và chính xác với đề bài”. Chính nhờ quan điểm này, thầy đã đưa ra những nhận định sắc bén giúp các bạn thí sinh rút ra kinh nghiệm quý báu.

Anh Tú Na là một trong hai vị Ban giám khảo vòng một và cũng là giám khảo chấm Vòng Chung kết. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và từng là BGK cuộc thi “Hà Nội..là” tổ chức bởi Tired City. Bên cạnh đó, anh còn từng xuất hiện trong Meet Your Community và được biết đến qua những tác phẩm digital art ấn tượng và đa dạng về chủ đề, trong đó phải kể đến series tranh #Hanoipunk, #Saigonpunk, Yêu, Ma, Qủy Quái.

Thầy Trần Hậu Yên Thế là nghệ sĩ thị giác, nhà nghiên cứu nghệ thuật, tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ Thuật. Hiện thầy đang đảm nhiệm vị trí Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành tại Đại học quốc gia Hà Nội. Thầy đã vinh dự nhận được giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” vào năm 2014 cho tác phẩm “Song xưa phố cũ”. Chứng kiến phần thi của Quán quân Nguyễn Trần Tài, thầy hào hứng chia sẻ ấn tượng của mình: “Vì là người có những tìm hiểu và nghiên cứu sâu sắc về bia Văn Miếu, tôi đánh giá cao việc bạn Trần Tài sử dụng hình ảnh này một cách rất đặc trưng, trọn vẹn trong phần thi của mình. Bởi theo tôi bia Văn Miếu có tính nhận diện cao, đồng thời là biểu tượng học vấn và những giá trị lịch sử lâu đời”.

Là một Artist tự do nắm giữ vai trò Art Director tại Zeit Media tại Hà Nội, anh Lailai Nguyễn đã có hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động thực tế trong mảng Visual Designer. Đồng thời, anh cũng là founder của “hayho” – dự án sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu dân gian. Chính những trải nghiệm đa dạng như vậy đã giúp anh Lalai Nguyễn có cái nhìn thực tế về thẩm mỹ cũng như tính ứng dụng cho sản phẩm của các thí sinh. Nhận xét về thử thách Vòng Chung kết, anh bày tỏ: “Đề thi năm nay khá chặt chẽ và có tính logic. Ngay từ Vòng Sơ loại, đề bài đã khai thác sâu sắc về Văn Miếu Quốc Tử Giám để sang tới Vòng 2 có sự phát triển cụ thể và rõ ràng hơn. Với bài toán là thiết kế bộ sách giáo khoa Lịch sử đóng vai trò là một ấn phẩm của Văn Miếu – trường quốc học (giả định) đã giúp các thí sinh bộc lộ tính sáng tạo đồng thời vẫn đảm bảo đúng với yêu cầu mà đề bài đưa ra”.

Vị giám khảo cuối cùng chính là T.S Nguyễn Thị Minh Hiền – trưởng khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Chủ nhiệm Chương trình cử nhân quốc tế Quảng cáo, PR và Thương hiệu của Đại học Middlesex tại Học viện báo chí và Tuyên truyền. Cô là Tiến sĩ chuyên ngành Báo chí học tại Học viện Báo chí và tuyên truyền (2019) và là Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý truyền thông tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc (2010). Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc và tham gia các dự án hợp tác, nghiên cứu và đào tạo về quản lý truyền thông cho các tổ chức trong nước và quốc tế, cô tiếp cận các sản phẩm dưới góc độ của một nhà Truyền thông. Đối với cô, nghệ thuật không chỉ là nghệ thuật mà còn mang tính ứng dụng và hiệu quả đối với đời sống thực tiễn.

Vượt qua nhiều ứng viên nặng ký khác, Nguyễn Trần Tài SBD 02 là thí sinh đã hội tụ đủ tài năng, bản lĩnh và sự sáng tạo để chinh phục các Ban giám khảo.

Với sự đồng hành của Nhà bảo trợ chuyên môn của Arena Multimedia, hành trình của cuộc thi Creative Hunter 2022 đã khép lại đầy ấn tượng. Với những thành công mà chương trình năm nay đạt được, BTC hứa hẹn rằng những mùa Creative Hunter năm sau sẽ càng có nhiều đổi mới, hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn để trở thành một sân chơi sáng tạo phù hợp cho tất cả mọi người.