Năm 2023, trong bối cảnh hết sức khó khăn, bức tranh kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng. Trong khi hầu hết tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, xuống dưới 3%, thì GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,05%. Đây là điểm sáng của khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% Quốc hội đề ra. Thặng dư thương mại hàng hoá đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Ước tính, giải ngân đầu tư công đạt 94,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 137,6 nghìn tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 23 tỷ USD. Đây là mức đầu tư cao nhất trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay đạt khoảng 12,6 triệu lượt người, vượt mục tiêu đón 8 triệu khách. Điều này thể hiện Việt Nam hấp dẫn không chỉ với các tập đoàn kinh tế, mà còn với cả người dân trên thế giới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước. Sản xuất công nghiệp diễn biến tích cực, tốt dần lên vào các tháng cuối năm. Gần 70% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tốt hơn và ổn định so với quý trước. Hơn 70% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 khả quan hơn trước.
Quốc hội đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6 – 6,5%. Nhiều kịch bản, dự báo của các tổ chức trong, ngoài nước ủng hộ cho mục tiêu này, dù còn đó những lo ngại. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, đây là mục tiêu khá thách thức, nhưng có thể đạt được. Bên cạnh sự lan tỏa của đầu tư công, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính cho tăng trưởng. Cơ hội và thách thức cho tăng trưởng là đan xen. Việt Nam đã và đang khẳng định có thể đi ngược để duy trì, phục hồi đà tăng trưởng bền vững.
Các chuyên gia chỉ ra, năm 2024, tăng trưởng kinh tế chủ yếu sẽ dựa vào “cỗ xe tứ mã”: Đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân và hàng chục triệu khách du lịch quốc tế; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan toả tới đầu tư ngoài Nhà nước để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.
Trao đổi với báo chí dịp đầu năm mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương thẳng thắn chỉ ra, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn là thời cơ thuận lợi. Khó khăn có thể kéo dài sang năm 2024, do đó, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được đặt ở vị trí ưu tiên.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, thu hút FDI đang có mức tăng trưởng khá tốt. Hoạt động đối ngoại cấp cao và đối ngoại song phương, đa phương của Việt Nam trong năm 2023 đã tạo nền tảng quan trọng, tác động rất tích cực trong thu hút FDI. Nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và đánh giá Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, điểm đến lâu dài.
Cùng với đó, Chính phủ cũng tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đầu tư tư nhân trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. Năm 2023, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng rất mạnh, đạt gần 160.000 doanh nghiệp. Mặc dù vậy, vẫn còn điểm hạn chế đó là tỷ lệ vốn bình quân của doanh nghiệp đăng ký mới có giảm so với giai đoạn trước.
Nguồn: https://laodongthudo.vn/kinh-te-nam-2024-se-khoi-sac-164698.html
Discussion about this post