Việc các địa phương kiên quyết xử lý, thu hồi dự án chậm tiến độ được đánh giá là tín hiệu tích cực, tránh lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.
Hà Nội thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất hàng loạt dự án
Mới đây, Sở TN&MT Hà Nội công khai 4 dự án có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
Theo đó, 4 dự án có quyết định thu hồi đất bao gồm: Dự án Khai thác chợ Kim Liên (23 Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa) do Công ty CP Văn Phú – Invest (VPI) là chủ sử dụng đất.
Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, một đại diện của Công ty CP Văn Phú – Invest (VPI) cho biết, dự án Khai thác chợ Kim Liên không phải dự án đầu tư của VPI. VPI chỉ là đơn vị quản lý, khai thác, kinh doanh chợ Kim Liên.
Theo đại diện của Công ty CP Văn Phú – Invest (VPI), sau khi nhận thấy việc quản lý, khai thác, kinh doanh chợ Kim Liên không phù hợp với điều hướng phát triển của công ty nên VPI đã chủ động xin bàn giao lại việc quản lý, khai thác, kinh doanh chợ Kim Liên cho UBND quận Đống Đa.
Cụ thể, trong công văn số 250/CV-VPI ký ngày 12/6/2020, VPI đề nghị được bàn giao toàn bộ nguyên trạng chợ Kim Liên cho UBND quận Đống Đa. Tiếp đó, ngày 17/12/2020, VPI đã có biên bản bàn giao quyền quản lý, khai thác, kinh doanh chợ Kim Liên cho Ban Quản lý chợ Đống Đa. Biên bản này có sự chứng kiến của đại diện 3 bên gồm VPI, Ban Quản lý chợ Đống Đa và UBND Quận Đống Đa.
Ba dự án còn lại bị Hà Nội thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư là: Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn (Cụm Công nghiệp Cam Thượng, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) do Công ty CP Bê tông Vạn Trường Thành là chủ sử dụng đất; Dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên (xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh, xã Văn Khê, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh) do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên là chủ sử dụng đất; Dự án Xây dựng xưởng sản xuất mành xuất khẩu (thị xã Sơn Tây) do Công ty TNHH Mành Trang Trí là chủ sở hữu đất.
Trước đó, ngày 24/10/2022, Sở TN&MT Hà Nội có Văn bản số 8053/STNMT-TTr gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với 23 dự án có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư. Trong số 23 dự án đã có quyết định thu hồi đất, huyện Thạch Thất có số lượng nhiều nhất với 9 dự án.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, xử lý, bổ sung danh sách để đăng công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nhiều địa phương mạnh tay xử lý dự án treo, chậm tiến độ
Không chỉ tại Hà Nội, hiện nhiều địa phương trên cả nước cũng đã có hàng loạt động thái mạnh tay, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng dự án treo, chậm tiến độ.
Sáng 7/12, tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X, UBND TP.HCM đề xuất tạm dừng thực hiện 17 dự án trong giai đoạn 2021 – 2025, giúp tiết kiệm hơn 1.400 tỷ đồng ngân sách.
Trong đó, có tới 11 dự án ở Thành phố Thủ Đức như: Mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp; cầu vượt trước bến xe miền Đông mới; bồi thường giải phóng mặt bằng và làm đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây dựng); nút giao thông tại cổng chính Đại học Quốc gia TP.HCM… Còn lại là một số dự án nâng cấp, mở rộng đường, xây trường học ở huyện Hóc Môn, quận Tân Phú, Bình Thạnh.
Theo đó, nguyên nhân là do các dự án này đều chậm tiến độ triển khai do ảnh hưởng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, một số dự án có nguy cơ đội vốn.
Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất 21 dự án với tổng diện tích 89,88 ha tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Theo đó, qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng.
Đáng chú ý, các dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm bị thu hồi bao gồm: Dự án Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC rộng hơn 286 ha, có vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng nhưng đã chậm hơn 7 năm; Dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam thành phố Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha; Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô Vinaxuki (ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) của Công ty TNHH MTV ôtô Vinaxuki Thanh Hóa…
Tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cũng đã ký Quyết định số 3388/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 về việc hủy bỏ 27 đồ án quy hoạch chi tiết tại phường Tuần Châu, trong đó có 20 đồ án tại Khu du lịch và giải trí Quốc tế Tuần Châu.
Theo đó, lý do hủy bỏ là do 27 đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt từ tháng 6/2020 nhưng đến nay chưa thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, chưa triển khai thực hiện. Vì thế, UBND TP.Hạ Long đã xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn theo quy định tại Điều 46, Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 và triển khai phù hợp, thống nhất giữa các quy định của Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo, Luật Di sản văn hóa.
Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc các địa phương đang mạnh mẽ, kiên quyết xử lý và thu hồi các dự án chậm tiến độ, dự án treo là một tín hiệu tích cực.
“Đây là cơ sở để sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý hơn. Hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án “treo”, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất đắc địa, từ đó gây ra rất nhiều hệ lụy như các dự án, khu đô thị nằm chờ cả thập kỷ, lãng phí nguồn tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng và xáo trộn đến cuộc sống của người dân” – Luật sư Trương Anh Tú nhận định.
Discussion about this post